CÂU CHUYỆN VỀ CÔNG BẰNG
Trong khóa học coaching vừa qua, mình có ghi nhận lại một cảm xúc nổi trội. Băn khoăn, khó chịu, bứt rứt, nhấm nhẳng. Sau khi self-coach và peer-coach, mình nhận ra mình đang phán xét, so sánh với người khác về trình độ, về chấm điểm. Và mình chọn cách thả lỏng, buông xuống những phán xét, so sánh đó để đi tiếp. Mình đã có bình an trở lại cùng kết quả tốt đẹp sau khóa học.
Cho đến một ngày, gặp lại em gái đồng nghiệp coach @Dinh Huong, người mình luôn ngưỡng mộ về khả năng reflection. Câu hỏi em trao cho mình: "Điều đó phản ánh niềm tin, giá trị gì bên trong anh? Nếu anh nói là công bằng, công bằng với anh là gì?" Mình đã trì hoãn câu trả lời đến tận hôm nay. Như trái cây ủ ấp và đến lúc chín mọng.
Hóa ra, từ khóa Công bằng hiện ra với mình không chỉ trong khóa học trên mà xuyên suốt cả cuộc đời mình. Công bằng có trong cách mình sống, cách mình làm việc, cách mình đàm phán công việc. Công bằng xuất hiện trong cách mình ứng xử với người khác. Công bằng ẩn trong cách mình nhìn nhận sự việc, chẳng hạn như cảm nhận được nỗi đau của cả 2 phía trong cuộc chiến Nga - Ukraine đang diễn ra.
CÔNG BẰNG LÀ GÌ VỚI MÌNH?
Phải nói luôn rằng "Công bằng" ở đây chỉ là khái niệm của riêng mình. Công bằng của mình ko nhất thiết liên quan đến Công bằng của người khác. Với mình, Công bằng rất gần với từ Fair trong tiếng Anh. Công bằng là niềm tin và giá trị mình trân trọng, theo đuổi suốt cuộc đời.
Trước tiên, Công bằng là Tôn trọng sự khác biệt. Mình vốn dĩ là kẻ Dị biệt (lấy từ trong series The Divergents). Mình không giống ai và cũng không có nhu cầu ai phải giống mình. Mình thích thú với sự khác biệt của mỗi người. Mình tôn trọng và trân trọng sự khác biệt đó.
Công bằng cũng là Chơi đẹp (Fair Play). Chơi với luật lệ rõ ràng, không thiên vị, thiên lệch để người chơi nào cũng có cơ hội. Ngược với Chơi đẹp là Chơi bẩn/ Chơi xấu: thắng bằng cách đạp lên người khác, dùng thủ đoạn, lươn lẹo để dành lợi lộc.
Điều thú vị rằng mình hiểu rõ trong hiện thực không phải lúc nào cũng có cái Công bằng mà mình trân trọng. Thậm chí mình cũng nhận thức rõ rằng không phải lúc nào mình cũng giữ được và sống theo giá trị Công bằng này. Công bằng không phải là khuôn vàng thước ngọc mà là ngọn hải đăng để mình nương theo và dấn bước trên hành trình cuộc đời.
MÌNH ĐÃ SỐNG CÔNG BẰNG THẾ NÀO?
Công bằng ảnh hưởng lớn tới cách mình nhìn nhận bản thân mình (Nhân sinh quan) và cách mình nhìn nhận thế giới xung quanh (Thế giới quan).
Mình nhìn bản thân mình là người sống độc lập, đôi lúc cô độc. Mình không muốn phụ thuộc vào ai và cũng không muốn ai phụ thuộc vào mình. Mình có nhiều phiên bản bên trong và biểu hiện khác biệt nhau. Điển hình nhất là Tự do và Kỷ luật. Nôm na là một đứa nổi loạn làm theo ý mình, hay hờn dỗi, tủi thân, thích đi chơi, mơ núi mơ sông. Một đứa thì bền bỉ, dẻo dai kiên trì lập kế hoạch cho mọi thứ, tuân thủ và đôi lúc sắt đá với những hành vi then chốt như tập thể dục. Mình tôn trọng sự khác biệt của các phiên bản và đang thực hành việc hòa hợp các phiên bản này.
Mình nhìn thế giới xung quanh với niềm tin: Có công bằng, thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Nhiều năm đi làm, mình luôn có những đội nhóm thật vui, chan hòa trong công việc và cả ngoài đời. Mình tin vào con người và luôn dành cơ hội để đồng đội của mình phát triển. Mình say mê những cuộc chơi Win - Win, cả trong thể thao và công việc. Mình luôn muốn nhìn mọi người như đối tác, thay vì đối thủ.
HỆ GIÁ TRỊ NIỀM TIN TRONG COACHING
Trong mô hình Tảng băng trôi về Tâm lý học hành vi con người, bề nổi tảng băng là hành động và kết quả. Phần chìm của tảng băng là thói quen, cảm xúc, suy nghĩ. Sâu nhất chính là hệ giá trị niềm tin (bản năng ý thức) và các bản năng vô thức.
Hệ giá trị niềm tin là nền tảng định hình toàn bộ nhận thức của chúng ta về bản thân và thế giới xung quanh. Từ đó, những thói quen, hành động có ý thức của chúng ta chịu ảnh hưởng lớn của những giá trị niềm tin này. Cuối cùng chính là kết quả, hay còn gọi là số phận.
Phương pháp Coach Con Người (Coach The People - level Coaching thứ 2 theo ICF) chú trọng vào việc hỗ trợ Coachee (khách hàng) khám phá và hiểu rõ động lực nội thân của chính họ. Nói cách khác, là lý do họ mong muốn, những điều thúc đẩy và cản trở mong muốn đó từ sâu thẳm bên trong: những giá trị niềm tin đã biết và thậm chí chưa biết. Khi đó khách hàng có lựa chọn "Sửa trong, Chỉnh ngoài". Nếu chọn Chỉnh ngoài, họ có thể thay đổi môi trường sống, làm việc, mối quan hệ. Nếu chọn Sửa trong, họ có thể định hình lại hệ giá trị niềm tin của mình và từ đó dần dần thay đổi hành vi, thói quen.
Coachee sao thì người Coach cũng vậy. Để có thể hỗ trợ được khách hàng và đồng hành cùng họ đạt mục tiêu của mình, người Coach phải không ngừng khám phá bản thân. Thông qua thực hành, người Coach biến mình trở thành tấm gương thực hành, bằng chứng sống động và giúp khách hàng có thêm động lực "TÔI CÓ THỂ"!