Từ một góc nhìn trao cho cậu em, ý tưởng cứ dần thành hình, gợi nhớ và thôi thúc mình viết xuống. Vừa là lời nhắn nhủ cho những đồng đội của mình, vừa là cho chính mình.
Một tuần giông bão
Cứ như một tiếng sét giữa thinh không, biến cố ập đến sáng thứ Hai đầu tuần. Bất ngờ, sững sờ, mình muốn bỏ chạy. Tin đồn phi với tốc độ ánh sáng (giá mà truyền thông doanh nghiệp cũng hiệu quả như thế). Nỗi sợ hãi vô hình cũng vậy, lan nhanh trên những gương mặt, những tin nhắn. Những băn khoăn, trăn trở về rủi ro đã nhận ra từ trước trỗi dậy. Đầu óc căng lên khi liên tục theo dõi tin tức báo chí, truyền thông để đánh hơi mùi vị khủng hoảng.
Mình thả lỏng, quan sát nỗi sợ và thấy dịu đi. Vừa đủ để tiếp tục nốt buổi chiều làm việc một cách bình thường. Căng thẳng vẫn còn đó đến tận buổi tối và cũng lắng xuống khi các dấu hiệu không quá tệ.
Hai ngày tiếp theo ở nhà mình mệt mỏi khi tin tức truyền thông báo chí, mạng xã hội, tin nhắn liên tục nổ ra. Cảm giác bức bí, bất lực khi mình chỉ có thể quan sát và cảm nhận cơn bão ập tới. Không thể kháng cự, không thể tránh né. Cảm nhận được sự kinh hãi, hoảng sợ của anh em trong văn phòng miền Nam. Cảm nhận được bất an của chính mình về sự sụp đổ của người khổng lồ trên đôi chân đất sét.
Quay lại đi làm trong khoảng lặng sau những tiếng sét đầu tiên, nỗi sợ hãi chuyển sang trạng thái khác. Gặp lại anh em đồng nghiệp vừa vui, vừa kết nối vừa đổ thêm dầu vào đám lửa sợ hãi. Nỗi sợ trở nên rõ ràng hơn, thực tế hơn với những khả năng cụ thể, không còn mơ hồ, không còn huyễn hoặc. Thật kỳ lạ là vừa thấy nhẹ nhõm khi được chia sẻ giải bày vừa thấy lo hơn. Nhất là với kiểu chém gió nửa đùa nửa thật. Cũng là lúc tỉnh ngộ ra mình bị cuốn vào vòng xoáy cảm xúc. Cảm thấy sáng lên và thú vị khi nhận ra điều đó nơi mình và nơi đồng nghiệp.
Đến cuối tuần, tâm trí mình trở nên bình tĩnh, sáng tỏ hơn. Tựa như mọi thứ đã được sắp xếp lại, bày hết lên bàn, tường minh. Vẫn còn đó nguy cơ sụp đổ nhưng nỗi sợ hãi dần nhạt đi và biến mất trong những trang Nhật ký cảm xúc. Mình lo gì? Vỡ kỳ vọng về dòng tiền đầu tư, sinh hoạt. Mình bất an gì? Kinh tế vĩ mô khó khăn, ngành tài chính khủng hoảng thì chết cả làng. Mình buồn gì? Thương anh em, đồng cảm với lo lắng, sợ hãi của anh em.
Mình nhìn kỹ. Thấy những khả năng sự việc có thể đi xa đến mức nào. Đến kịch bản xấu nhất vẫn có những tia sáng. Thấy vẫn còn tình yêu với F88, muốn trả ơn ngay cả trong kịch bản xấu nhất. Thấy mình may mắn đã có sự chuẩn bị cho hành trình riêng.
Dính mắc và Che lấp cảm xúc
Nhìn lại trải nghiệm vừa qua, mình học được hai bài học. Một là dính mắc cảm xúc. Sự sợ hãi lo lắng nhân lên gấp bội khi mình cứ mải miết theo dõi tin tức, khi tám chuyện với anh em đồng nghiệp. Càng đọc càng thấy bất an, hồi hộp ngóng chờ tin tiếp theo. Chia sẻ với đồng nghiệp thì càng nói càng thấy lo lắng hơn. Như thể 1 sợ + 1 lo = 3 hãi.
Mình tự nhủ may mà còn những thói quen cá nhân như đi bộ 10 nghìn bước và tennis, chơi đàn guitar giúp mình ngắt mạch khỏi những vòng xoáy tiêu cực đó. Đơn giản chỉ là tập trung vào hơi thở, vào động tác tay chân, dừng suy nghĩ lan man.
Bài học thứ hai là không che lấp cảm xúc. Mình cảm nhận nhiều lúc có sự thôi thúc làm gì đó, nghĩ điều gì đó đi cho tích cực, cho khuây khỏa ngay khi cảm xúc khó chịu xuất hiện. . Chẳng hạn xem phim, chơi game, uống bia, gặp gỡ bạn bè. Tưởng chừng như vậy sẽ giúp mình thay đổi tâm trạng, quên đi, sao lãng đi những cảm xúc khó chịu chuyển sang vui, chill, yêu đời. Oh yeah, muốn quá đi chứ!
Khổ nỗi càng vội vàng che lấp thì cảm xúc lo lắng, bồn chồn, bất an cứ đeo đẳng. Tựa như bóng ma lẩn khuất trong xó xỉnh, chỉ chực xồ ra mỗi khi màn đêm buông xuống. Hơi men nhạt đi, cuộc vui tàn, chia tay bạn ra về thì cảm xúc khó chịu quay lại, xâm chiếm tâm trí cả trong giấc ngủ.
Trải nghiệm cảm xúc
Những lần chia sẻ với các lớp EQ tại F88, mình có tâm sự một trong những khó khăn lớn nhất khi thực hành EQ là Trải nghiệm cảm xúc. Đó là việc cảm nhận cảm xúc đang hiện hữu và tác động đến cuộc sống của mình như thế nào. Là việc nếm trải bất kể mùi vị nào dù ngọt ngào hay đắng cay, thậm chí cả nỗi đau từ cảm xúc đó. Là việc giữ được tỉnh táo, quan sát cảm nhận nhưng không bị chìm vào cảm xúc đó, không bị cảm xúc đó chi phối. Ngược lại mình cũng không vội vàng lướt qua cảm xúc đó. Nhất là không vội vàng tìm kiếm một cảm xúc khác để che lấp cảm xúc ban đầu đi.
Bài tập thực hành này thực sự khó khăn hơn nhiều so với viết ra ở trên, nhất là với cảm xúc khó chịu. Nó trái với bản năng con người muốn được vui, muốn được thoải mái. Mình vừa phải dũng cảm đối diện vừa phải nhẹ nhàng nâng niu, làm bạn với cảm xúc.
Sống trọn khoảnh khắc
Gần đây mình cũng chợt nhận ra mình có lúc lướt qua cảm xúc vui, gắn kết, hạnh phúc. Đơn giản như khi nhắn tin cho những người mình yêu thương rồi lại chuyển màn hình qua đọc tin tức. Mình đã bỏ qua chưa nếm đầy đủ vị ngọt, năng lượng ấm áp từ những dòng tin nhắn nhỏ nhoi. Mình bị thu hút bởi tò mò, những điều mới lạ nơi khác.
Và mình có thể làm khác đi. Mình có thể sống chậm lại, dù chỉ vài giây. Để cảm nhận từng thứ một. Để tận hưởng từng thứ một, dù là niềm đau hay hạnh phúc.
Mình chợt nhớ đến bộ phim hoạt hình Soul. Khi nhân vật chính đạt được ước mơ trở thành nghệ sỹ biểu diễn trước công chúng, điều mà mà anh khát khao cả một đời. Để rồi khi có được lại thấy trống rỗng, mất phương hướng. Anh ngồi trên vỉa hè, ngắm lá vàng rơi rồi tỉnh ngộ.
"Anh sẽ làm gì tiếp theo?
Tôi không biết. Nhưng tôi sẽ tận hưởng từng giây phút cuộc sống này!"