(Viết trong một buổi sáng trầm mặc, vừa trải qua nhiều điều không như mong muốn. Cảm xúc hiện tại là lắng đọng, tỉnh táo, chậm rãi)
Sau đợt cả nhà mắc Covid-19 vừa qua, mình cảm thấy thôi thúc viết về từ khóa "Surrender/ Thả lỏng". Gần 3 tuần trôi qua, việc này việc khác cuốn mình đi nhưng thôi thúc còn nguyên đó, giục giã mình gõ bàn phím.
Tất cả xuất phát từ câu hỏi: "Khi cuộc sống không diễn ra như chúng ta mong đợi, thậm chí trái ngược thì lựa chọn của mình là gì?" Dịch Covid-19 bắt mình phải trả lời câu hỏi đó, không thể tránh né. Cả nhà cố gắng cẩn thận giữ gìn, cách ly và rồi đều dương tính cả. Lúc đó, thật kỳ lạ là mình cảm thấy thở phào nhẹ nhõm "Không phải cố nữa rồi."
"Sao lại phải cố? Sao lại không chấp nhận chuyện lây nhiễm trong nhà là không thể tránh khỏi? Sao lại cứ vật vã kháng cự lại để rồi căng thẳng, mệt mỏi và thất vọng?"
Nhìn lại mình. Đã bao lần mình mong đợi, khát khao rồi lại thất vọng, bực bội, chán nản vì không đạt được điều mình muốn? Đã bao lần mình không chấp nhận sự việc đến với mình và vật vã, đau đớn níu kéo những điều đã trôi qua?
SURRENDER - THẢ LỎNG LÀ GÌ?
Ngày nhỏ mình học bơi và vẫn nhớ mãi bài học "Càng vùng vẫy càng chìm. Thả lỏng sẽ nổi". Điều thú vị là bản năng mình lại điều khiển mình theo vòng lặp "Xuống nước - chìm - sợ hãi - quẫy đạp - uống nước - hoảng loạn - quẫy đạp điên cuồng hơn - tiếp tục chìm - mất sức, sặc nước". Ngược lại, chỉ cần hít sâu, nín thở, thả lỏng chân tay, thả lỏng người là chỉ vài giây đã nổi lên.
SURRENDER là như vậy, THẢ LỎNG. Dù điều gì xảy ra với mình, tốt xấu, hay dở, vừa ý hay trái ý, mình đón nhận một cách bình tĩnh, thản nhiên. Dù điều gì làm mình bực bội, khó chịu (trừ trường hợp đe dọa thân thể) thì cũng không kháng cự, phản ứng lại.
SURRENDER không phải là cam chịu hay đầu hàng. SURRENDER cũng không phải là trạng thái yếm thế, u uất, than thân trách phận. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng thực sự biểu hiện của các trạng thái trên rất khác nhau. Ở trạng thái SURRENDER, chúng ta nghĩ "OK. Thực tế đã xảy ra như vậy. Cứ thế đi." Ngược lại sẽ là "Chết rồi, lại hỏng rồi", "Sao số tôi khổ vậy", "Chán quá, muốn ra sao thì ra". Thậm chí trạng thái kháng cự biểu hiện ra "Không thể thế được, tôi không tin", "Không thể chấp nhận như vậy, phải làm gì đó".
Không chỉ có vậy, ở trạng thái SURRENDER, chúng ta cởi mở và đón nhận mọi khả năng sẽ xảy ra. Tựa như chiếc thuyền không bị mỏ neo níu giữ, dòng nước sẽ đưa nó đến với những bến bờ mới. Từ đó, chúng ta có cơ hội lựa chọn và hành động để tiếp tục hướng tới mục tiêu mình mong muốn.
CƠ CHẾ CẢM XÚC CỦA SURRENDER
SURRENDER hoạt động hiệu quả với mọi tình huống không khẩn cấp (cháy nhà chết người), không đòi hỏi phải ra quyết định ngay lập tức. Theo cơ chế sinh tồn được lập trình sẵn trong bộ não, mọi sự kiện từ bên ngoài không phù hợp với mong muốn chủ quan đều kích hoạt hạch Hạnh nhân (Amygdala) rung động. Khi đó những cảm xúc bản năng sợ hãi lo lắng xuất hiện và khiến chúng ta Chiến đấu hay Bỏ chạy/ Kháng cự lại hay Đầu hàng, tránh né.
Ở trạng thái SURRENDER, chúng ta ngắt mạch được phản ứng cảm xúc bản năng và đồng thời trì hoãn được sự suy diễn không ngừng của bộ não phân tích. Khi chúng ta thả lỏng và đón nhận, thông tin được thấm dần mà không bị sàng lọc, ngăn trở. Một cơ chế khác của bộ não là Inner Wisdom (Sự thông thái bên trong) hay còn gọi là Trực giác sẽ lên tiếng và giúp chúng ta tìm được hành động và quyết định đúng đắn
(Cơ chế não bộ học của Cảm xúc mình sẽ chia sẻ trong bài viết khác)
SURRENDER LÀ TRIẾT LÝ SỐNG
"Que sera, sera
Whatever will be, will be
The future's not ours to see
Que sera, sera
What will be, will be"
Khi mới tiếp xúc với tiếng Anh, mình rất thích bản nhạc "Que Sera, sera". Giai điệu du dương và lời hát mộc mạc ẩn chứa triết lý sống đơn giản mà màu nhiệm "What will be, will be." Điều gì có thể/ cần/ phải đến, sẽ đến. Triết lý đơn giản và hiển nhiên như vòng đời sinh - lão - bệnh - tử vậy.
Triết học Phật giáo cho rằng con người là một phần không thể tách rời trong tổng thể của vụ trụ. Cuộc sống là một dòng chảy vô tận những sự kiện có mối quan hệ nhân quả và phụ thuộc lẫn nhau theo nghĩa "vì cái này tồn tại nên cái kia tồn tại". Không có gì đột nhiên xuất hiện hay đột nhiên biến đi. Hay nói cách khác mọi việc xảy ra với chúng ta, dù tốt xấu hay dở, như ý hay trái ý, đều cần phải xảy ra.
SURRENDER vì thế, không chỉ là một phương pháp để đối diện với những nghịch cảnh, mà còn là một triết lý sống. Surrender ở đây theo nghĩa đen là "từ bỏ" việc kiểm soát mọi thứ xung quanh mình, "đầu hàng" dòng chảy của cuộc sống, của tự nhiên, của vũ trụ để chấp nhận và sống thuận theo dòng chảy đó.
SURRENDER là một phần trong thực hành Thông minh cảm xúc. Đó là khi mình có những cảm xúc tiêu cực: sợ hãi, cáu giận, buồn bực, chán nản, ... Mình thả lỏng để đón nhận cảm xúc thay vì tránh né. Hơn thế nữa, mình còn cho phép bản thân trải nghiệm sâu sắc những cảm xúc đó: dành không gian và thời gian cho cảm xúc đó được bộc lộ, ôm ấp, lắng nghe.
Điều thú vị là với những cảm xúc tích cực: mừng vui, hạnh phúc, sung sướng cũng như vậy. Bạn đã từng thả lỏng chậm lại để nếm trải niềm vui, hạnh phúc đó? Để niềm vui, hạnh phúc đó thì thầm với mình những thông điệp cảm xúc?
SURRENDER cũng là một phần trong thực hành Tỉnh thức. Đó là lúc bạn đối diện với những sự việc bất như ý. Bên cạnh chuyện quản lý cảm xúc, bạn thả lỏng tâm trí và cơ thể. Bạn từ bỏ sự thôi thúc phản ứng ra bên ngoài để quan sát và trải nghiệm sự việc trong tỉnh thức. Khi cảm xúc và thôi thúc phản ứng dịu đi, bạn được mở ra không gian mới để tìm kiếm và lựa chọn những cơ hội phù hợp với mình.
SURRENDER VÀ BẠN
Đọc đến đây, bạn cảm thấy thế nào? Điều gì đọng lại với bạn?
Nhìn lại những trải nghiệm gần nhất của bạn, bạn muốn SURRENDER như thế nào nếu được làm lại?
0 Comments:
Đăng nhận xét