Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2022
Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2022
SURRENDER- THẢ LỎNG
(Viết trong một buổi sáng trầm mặc, vừa trải qua nhiều điều không như mong muốn. Cảm xúc hiện tại là lắng đọng, tỉnh táo, chậm rãi)
Sau đợt cả nhà mắc Covid-19 vừa qua, mình cảm thấy thôi thúc viết về từ khóa "Surrender/ Thả lỏng". Gần 3 tuần trôi qua, việc này việc khác cuốn mình đi nhưng thôi thúc còn nguyên đó, giục giã mình gõ bàn phím.
Tất cả xuất phát từ câu hỏi: "Khi cuộc sống không diễn ra như chúng ta mong đợi, thậm chí trái ngược thì lựa chọn của mình là gì?" Dịch Covid-19 bắt mình phải trả lời câu hỏi đó, không thể tránh né. Cả nhà cố gắng cẩn thận giữ gìn, cách ly và rồi đều dương tính cả. Lúc đó, thật kỳ lạ là mình cảm thấy thở phào nhẹ nhõm "Không phải cố nữa rồi."
"Sao lại phải cố? Sao lại không chấp nhận chuyện lây nhiễm trong nhà là không thể tránh khỏi? Sao lại cứ vật vã kháng cự lại để rồi căng thẳng, mệt mỏi và thất vọng?"
Nhìn lại mình. Đã bao lần mình mong đợi, khát khao rồi lại thất vọng, bực bội, chán nản vì không đạt được điều mình muốn? Đã bao lần mình không chấp nhận sự việc đến với mình và vật vã, đau đớn níu kéo những điều đã trôi qua?
SURRENDER - THẢ LỎNG LÀ GÌ?
Ngày nhỏ mình học bơi và vẫn nhớ mãi bài học "Càng vùng vẫy càng chìm. Thả lỏng sẽ nổi". Điều thú vị là bản năng mình lại điều khiển mình theo vòng lặp "Xuống nước - chìm - sợ hãi - quẫy đạp - uống nước - hoảng loạn - quẫy đạp điên cuồng hơn - tiếp tục chìm - mất sức, sặc nước". Ngược lại, chỉ cần hít sâu, nín thở, thả lỏng chân tay, thả lỏng người là chỉ vài giây đã nổi lên.
SURRENDER là như vậy, THẢ LỎNG. Dù điều gì xảy ra với mình, tốt xấu, hay dở, vừa ý hay trái ý, mình đón nhận một cách bình tĩnh, thản nhiên. Dù điều gì làm mình bực bội, khó chịu (trừ trường hợp đe dọa thân thể) thì cũng không kháng cự, phản ứng lại.
SURRENDER không phải là cam chịu hay đầu hàng. SURRENDER cũng không phải là trạng thái yếm thế, u uất, than thân trách phận. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng thực sự biểu hiện của các trạng thái trên rất khác nhau. Ở trạng thái SURRENDER, chúng ta nghĩ "OK. Thực tế đã xảy ra như vậy. Cứ thế đi." Ngược lại sẽ là "Chết rồi, lại hỏng rồi", "Sao số tôi khổ vậy", "Chán quá, muốn ra sao thì ra". Thậm chí trạng thái kháng cự biểu hiện ra "Không thể thế được, tôi không tin", "Không thể chấp nhận như vậy, phải làm gì đó".
Không chỉ có vậy, ở trạng thái SURRENDER, chúng ta cởi mở và đón nhận mọi khả năng sẽ xảy ra. Tựa như chiếc thuyền không bị mỏ neo níu giữ, dòng nước sẽ đưa nó đến với những bến bờ mới. Từ đó, chúng ta có cơ hội lựa chọn và hành động để tiếp tục hướng tới mục tiêu mình mong muốn.
CƠ CHẾ CẢM XÚC CỦA SURRENDER
SURRENDER hoạt động hiệu quả với mọi tình huống không khẩn cấp (cháy nhà chết người), không đòi hỏi phải ra quyết định ngay lập tức. Theo cơ chế sinh tồn được lập trình sẵn trong bộ não, mọi sự kiện từ bên ngoài không phù hợp với mong muốn chủ quan đều kích hoạt hạch Hạnh nhân (Amygdala) rung động. Khi đó những cảm xúc bản năng sợ hãi lo lắng xuất hiện và khiến chúng ta Chiến đấu hay Bỏ chạy/ Kháng cự lại hay Đầu hàng, tránh né.
Ở trạng thái SURRENDER, chúng ta ngắt mạch được phản ứng cảm xúc bản năng và đồng thời trì hoãn được sự suy diễn không ngừng của bộ não phân tích. Khi chúng ta thả lỏng và đón nhận, thông tin được thấm dần mà không bị sàng lọc, ngăn trở. Một cơ chế khác của bộ não là Inner Wisdom (Sự thông thái bên trong) hay còn gọi là Trực giác sẽ lên tiếng và giúp chúng ta tìm được hành động và quyết định đúng đắn
(Cơ chế não bộ học của Cảm xúc mình sẽ chia sẻ trong bài viết khác)
SURRENDER LÀ TRIẾT LÝ SỐNG
"Que sera, sera
Whatever will be, will be
The future's not ours to see
Que sera, sera
What will be, will be"
Khi mới tiếp xúc với tiếng Anh, mình rất thích bản nhạc "Que Sera, sera". Giai điệu du dương và lời hát mộc mạc ẩn chứa triết lý sống đơn giản mà màu nhiệm "What will be, will be." Điều gì có thể/ cần/ phải đến, sẽ đến. Triết lý đơn giản và hiển nhiên như vòng đời sinh - lão - bệnh - tử vậy.
Triết học Phật giáo cho rằng con người là một phần không thể tách rời trong tổng thể của vụ trụ. Cuộc sống là một dòng chảy vô tận những sự kiện có mối quan hệ nhân quả và phụ thuộc lẫn nhau theo nghĩa "vì cái này tồn tại nên cái kia tồn tại". Không có gì đột nhiên xuất hiện hay đột nhiên biến đi. Hay nói cách khác mọi việc xảy ra với chúng ta, dù tốt xấu hay dở, như ý hay trái ý, đều cần phải xảy ra.
SURRENDER vì thế, không chỉ là một phương pháp để đối diện với những nghịch cảnh, mà còn là một triết lý sống. Surrender ở đây theo nghĩa đen là "từ bỏ" việc kiểm soát mọi thứ xung quanh mình, "đầu hàng" dòng chảy của cuộc sống, của tự nhiên, của vũ trụ để chấp nhận và sống thuận theo dòng chảy đó.
SURRENDER là một phần trong thực hành Thông minh cảm xúc. Đó là khi mình có những cảm xúc tiêu cực: sợ hãi, cáu giận, buồn bực, chán nản, ... Mình thả lỏng để đón nhận cảm xúc thay vì tránh né. Hơn thế nữa, mình còn cho phép bản thân trải nghiệm sâu sắc những cảm xúc đó: dành không gian và thời gian cho cảm xúc đó được bộc lộ, ôm ấp, lắng nghe.
Điều thú vị là với những cảm xúc tích cực: mừng vui, hạnh phúc, sung sướng cũng như vậy. Bạn đã từng thả lỏng chậm lại để nếm trải niềm vui, hạnh phúc đó? Để niềm vui, hạnh phúc đó thì thầm với mình những thông điệp cảm xúc?
SURRENDER cũng là một phần trong thực hành Tỉnh thức. Đó là lúc bạn đối diện với những sự việc bất như ý. Bên cạnh chuyện quản lý cảm xúc, bạn thả lỏng tâm trí và cơ thể. Bạn từ bỏ sự thôi thúc phản ứng ra bên ngoài để quan sát và trải nghiệm sự việc trong tỉnh thức. Khi cảm xúc và thôi thúc phản ứng dịu đi, bạn được mở ra không gian mới để tìm kiếm và lựa chọn những cơ hội phù hợp với mình.
SURRENDER VÀ BẠN
Đọc đến đây, bạn cảm thấy thế nào? Điều gì đọng lại với bạn?
Nhìn lại những trải nghiệm gần nhất của bạn, bạn muốn SURRENDER như thế nào nếu được làm lại?
Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2022
THE NEW YEAR RESOLUTIONS - NGHỊ QUYẾT NĂM MỚI
Mỗi mùa xuân về, lòng người rộn ràng như chồi non mới nhú. Những giọt sương long lanh đậu trên mầm xanh tưới tắm bởi mưa xuân dịu ngọt nhắc nhớ chúng ta về những điều ước khát vọng cho một năm mới.
Ai cũng vậy, cũng khát khao, mong ước những điều tốt đẹp hơn, đủ đầy hơn cho mình, cho người. Người thì giấu kín trong lòng, người thì lầm rầm khấn bái gửi lên thần phật. Người thì biến những điều ước đó thành mục tiêu cho năm mới.
Sự khác biệt ở đây là chữ "Dám". Dám ước mơ, dám thể hiện mơ ước ra những điều cụ thể. Cao hơn nữa là dám giữ cho những mong muốn đó tồn tại dưới dạng những mục tiêu. Cuối cùng là dám hành động để hiện thực hóa những mục tiêu đó.
Điều thú vị là trong công việc, chúng ta luôn có/ được yêu cầu phải có Mục tiêu SMART (Cụ thể - Đo lường được - Khả thi - Thực tế - Có thời hạn). Phải đạt được kết quả doanh số này, thành tựu kia cho tổ chức, cho đội nhóm. Có mấy ai làm được như vậy với những Mục tiêu riêng tư, cá nhân.
Bạn muốn có gì cho riêng bản thân: về vật chất, thân thể, tâm hồn và trí tuệ? Bạn muốn trở thành người như thế nào? Từ khía cạnh bên ngoài như tiền tài, địa vị danh vọng, mối quan hệ đi sâu dần vào bên trong. Ban muốn phát triển ra sao về sức khỏe? học thức, kỹ năng, kinh nghiệm? trưởng thành về nội tâm? tìm được và làm theo sứ mệnh cuộc đời?
Nói đến đây, bạn cảm thấy thế nào?
Bạn đã ứng xử như thế nào với những ước mơ, mong muốn, mục tiêu của mình cho năm mới?
Ý NGHĨA CỦA NGHỊ QUYẾT NĂM MỚI?
Bạn thử nhìn lại cuộc đời mình xem có bao nhiêu lần bạn có được điều mình muốn mà chẳng phải làm gì cả? Có thể chứ. Và nếu như thế, chúc mừng bạn là người hết sức may mắn hay theo cách nói khác, "sinh ra đã ngậm chiếc thìa bạc".
Dù vậy, bạn nghĩ thế nào nếu đặt tất cả những gì mình muốn lên con xúc xắc may rủi? Cuộc đời bạn sẽ thế nào nếu là chuỗi những canh bạc hên xui? Trừ khi bạn tin vào định mệnh do Đấng tối cao nào đó sắp đặt, tôi cá rằng hình dung như trên không dễ chịu chút nào.
Nếu bạn muốn làm chủ cuộc đời mình, việc chỉ mong muốn thôi không có ý nghĩa nhiều. Nếu cuộc đời bạn như một doanh nghiệp do bạn làm chủ, bạn nghĩ thế nào nếu doanh nghiệp đó không có mục tiêu cụ thể? kết quả kinh doanh được chăng hay chớ?
Bạn có thể lập luận rằng tôi cứ làm hết sức mình rồi mong muốn của tôi sẽ đến. Đồng ý là có thể. Và bạn nghĩ thế nào nếu đến cuối năm bạn quên béng mất là mình muốn điều gì? Liệu bạn có duy trì được động lực làm hết sức mình nếu bạn không biết mình đang ở đâu so với điều mình muốn.
Mục tiêu, cụ thể là mục tiêu SMART, giúp bạn làm điều đó. Không dừng lại ở mong muốn, bạn hãy viết xuống thành những mục tiêu rõ ràng, có kết quả đo lường được, có thời hạn.
VD: một trong những Mục tiêu 2022 của mình:
"Tận hưởng cuộc sống (du lịch, dự án, sở thích riêng, ...) bằng cách nghỉ hết 13 ngày phép tại F88 (tính cả ngày My Day cho tháng sinh nhật) tính đến ngày 31/12/2022."
Mục tiêu này đủ cụ thể (Specific), đo lường được (Measurable), khả thi (Attainable), có liên quan (Relevant) và có thời hạn (Time-based).
Mục tiêu cá nhân SMART giúp bạn giữ được sự tồn tại của những điều mình mong muốn thực sự. Điều thú vị là bạn luôn có sự tự do lựa chọn chứ không bị trói buộc vào Mục tiêu SMART đó. Mỗi tháng, mỗi quý bạn nhìn lại Nghị quyết năm mới của mình và tự hỏi mình còn thực sự mong muốn điều đó không. Nếu có, bạn đang ở đâu, bạn cần làm gì, cần hỗ trợ gì để tiếp tục nuôi dưỡng động lực đi tiếp. Nếu không, đơn giản là bạn thả lỏng, buông xuống và không còn vướng bận nữa.
NGHI LỄ COACHING CHO NGHỊ QUYẾT NĂM MỚI?
NGHỊ QUYẾT NĂM MỚI là một trong những nghi lễ mình dành để chăm sóc và nuôi dưỡng bản thân. Không chỉ là việc hiệu quả cần làm, đó còn là khoảng thời gian quý giá để mình kết nối với chính mình, khám phá ra những bài học và nhận thức mới.
Bạn có thể tham khảo trình tự các bước làm NGHỊ QUYẾT NĂM MỚI như sau:
Bước 1: Làm bài tập Bánh xe cuộc sống
Bước 2: Những từ khóa nào biểu đạt cuộc sống của mình trong năm mới
Bước 3: Mình sẽ đem theo những gì từ năm cũ
Bước 4: Viết xuống Mục tiêu SMART (kết hợp cả Bánh xe cuộc sống)
Bước 5: Lưu lại chỗ phù hợp để bạn dễ dàng tìm thấy mỗi khi làm nghi thức Nhìn lại/ Reflection
Bên cạnh việc tự làm, sẽ hữu ích hơn nữa nếu bạn có một người coach đồng hành với mình không chỉ thiết lập NGHỊ QUYẾT NĂM MỚI mà còn cả hành trình thực hiện nghị quyết này nữa. Hãy liên hệ với mình để đặt lịch bạn nhé.
Coach Minh Nguyễn
Chuyên gia Coaching cấp ACC của Liên đoàn Coaching Quốc tế (ICF Associate Certified Coach). Kinh nghiệm trên 200 giờ coaching với doanh nhân, nhà quản lý, chuyên gia trong doanh nghiệp về các chủ đề Phát triển năng lực lãnh đạo, Nâng cao hiệu quả công việc, Chuyển hoá bản thân, Cân bằng cuộc sống
Bài viết được ưa thích
-
Khi đã rõ Tỉnh thức không là gì, mình cảm thấy thoải mái hơn khi viết về Tỉnh thức. Điều thú vị với mình khi học một khái niệm mới là chuyện...
-
Nhiều người đến với mình với sự tò mò về Coaching. Thay vì có những mong muốn, mục tiêu cụ thể như những khách hàng Coaching thì họ nói: &qu...
-
Từ một góc nhìn trao cho cậu em, ý tưởng cứ dần thành hình, gợi nhớ và thôi thúc mình viết xuống. Vừa là lời nhắn nhủ cho những đồng đội của...
-
Tên trang blog này, Mindful Coaching, đến với mình thật nhẹ nhàng và tự nhiên như ngọn gió mát lành mùa thu. Nó không đến từ những mô hình, ...
-
COACHING LÀ KHAI VẤN Tiếng Việt dịch thoáng Coaching là "Khai vấn". Mình thích cách dịch này khi mới tiếp cận với Coaching bởi nội...
-
CÂU CHUYỆN VỀ CÔNG BẰNG Trong khóa học coaching vừa qua, mình có ghi nhận lại một cảm xúc nổi trội. Băn khoăn, khó chịu, bứt rứt, nhấm nhẳng...
-
Bạn đã bao giờ nghĩ đến việc biến đổi trở thành một con người mới, khác xa với con người cũ? Không phải việc thay đổi hình dáng, kiến thức, ...
-
🧚♂ Một chiều thảnh thơi trong căn lều Yến Tử Ổ, nhận được phiên Mentoring ngắn gọn nhất quả đất của cô giáo Vân Anh LCV. "Anh đạt trì...
-
Nảy ra ý tưởng viết blog về Lái xe từ sau chuyến tự lái ô tô lên miền núi Sơn La - Yên Bái. Và cứ lần lữa trôi đi theo nhịp sống hối hả. Rồi...
-
Đặt tay lên bàn phím lúc này, cảm thấy xao xuyến lạ. Chút bỡ ngỡ, ngại ngùng. Chút thân quen, thôi thúc. The Flow Đã 6 tháng rồi mình không ...
Các chủ đề blog
Thư viện bài viết
Copyright ©
Mindful Coaching | Powered by Blogger
Design by Flythemes | Blogger Theme by NewBloggerThemes.com